Đăng nhập
Quy chế phối hợp công tác giữa Trường THCS Bảo Nhai và Công đoàn cơ sở

UBND XÃ BẢO NHAI

TRƯỜNG THCS -CĐCS BẢO NHAI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:02 /KHLT-TRƯỜNG- CĐCS                             Bảo Nhai, ngày 28 tháng 9 năm 2022

QUY CHẾ

Phối hợp công tác  giữa Trường THCS Bảo Nhai

và Công đoàn cơ sở

 

Căn cứ Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn;

Căn cứ Quyết định số 3406/QĐ-BGD&ĐT ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế phối hợp công tác;

Căn cứ Quyết định số 1296/QĐ-BGDĐT ngày 20/10/2013 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục tỉnh Lào Cai;

          Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và Nhà trường  thống nhất ký Quy chế Phối hợp công tác giữa Trường THCS Bảo Nhai và Công đoàn cơ sở với những nội dung sau:

Chương I:  QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về việc phối hợp công tác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trường THCS Bảo Nhai và Công đoàn cơ sở nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác vì sự phát triển của Giáo dục và Đào tạo xã.

2. Quy chế này áp dụng đối với việc phối hợp công tác giữa Trường THCS Bảo Nhai và Công đoàn cơ sở. Căn cứ Quy chế này và các văn bản có liên quan, Hiệu trưởng và công đoàn cơ sở có trách nhiệm xây dựng quy chế phối hợp công tác để tổ chức thực hiện tại đơn vị.

Điều 2. Nguyên tắc chung

1. Bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, công đoàn, các quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Tôn trọng, hợp tác vì mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành giáo dục; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động trong ngành giáo dục huyện.

 

Chương II: NỘI DUNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC

 

Điều 3. Phối hợp trong công tác soạn thảo các văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động.

1. Nhà trường có trách nhiệm lấy ý kiến của CĐCS khi chủ trì soạn thảo các văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động.

2. Trường hợp ý kiến của CĐCS và ý kiến của đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản khác nhau hoặc không thống nhất về cùng một vấn đề, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm báo cáo đầy đủ về những nội dung còn có ý kiến khác nhau để Hiệu trưởng Nhà trường tạo xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Điều 4. Phối hợp chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan quản lý giáo dục và các đơn vị cơ sở

1. Nhà trường và CĐCS phối hợp chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục trực thuộc; thống nhất ban hành chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức; hội nghị người lao động; đại hội CĐCS; phối hợp tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ trong ngành giáo dục để báo cáo cấp có thẩm quyền.

2. CĐCS chỉ đạo các tổ công đoàn thực hiện vai trò đại diện cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động trong việc xây dựng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

 

Điều 5. Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật

1. Nhà trường chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động: tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, sử dụng các loại quỹ khác (nếu có); thực hiện quy chế dân chủ tại các đơn vị cơ sở. CĐCS có trách nhiệm cử cán bộ tham gia các đợt tự kiểm tra tại cơ sở.

2. Khi cần thiết, CĐCS chủ động đề xuất với Nhà trường thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về việc thực hiện các chính sách, chế độ liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động theo Luật Công đoàn tại các cơ sở giáo dục do Nhà trường quản lí.

3. CĐCS có trách nhiệm chỉ đạo các tổ công đoàn tập hợp các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; tổ chức xây dựng, thực hiện thông tin hai chiều, tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; tham gia với Nhà trường về các nội dung có liên quan đến việc sắp xếp việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đời sống và phúc lợi của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động theo quy định.

 

Điều 6. Phối hợp giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động

1. CĐCS có trách nhiệm phản ánh kịp thời các kiến nghị của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động đến Nhà trường.  Nhà trường có trách nhiệm nghiên cứu, trao đổi, trả lời về các kiến nghị của CĐCS.

2. Nhà trường tạo phối hợp với CĐCS xem xét, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động.

3. Hiệu trưởng  phối hợp với BCH CĐCS xem xét, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động tại đơn vị.

 

Điều 7. Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động

1. Nhà trường tạo phối hợp với CĐCS ban hành văn bản phối hợp về phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn trong ngành; phát động việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài sáng kiến kinh nghiệm đã được đúc kết để vận dụng trong công tác quản lý, giảng dạy; phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm để phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.

2. CĐCS có trách nhiệm chỉ đạo các tổ công đoàn tham gia các phong trào thi đua do Nhà trường phối hợp phát động; tham gia công tác sơ kết, tổng kết thi đua và giám sát việc chấp hành các quy định của Nhà nước và của ngành về công tác thi đua, khen thưởng.

 

Điều 8. Phối hợp trong công tác tuyên truyền

1. Nhà trường phối hợp với CĐCS tuyên truyền, phổ biến, vận động và tổ chức cho cán bộ quản lý, nhà giáo và người lao động trong ngành thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các nội quy, quy chế của ngành và đơn vị; chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và nghĩa vụ của người lao động.

2. CĐCS có trách nhiệm chỉ đạo tổ công đoàn tuyên truyền, giáo dục, vận động nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tư tưởng chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; tham gia công tác xã hội, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn, hoạn nạn và ngăn chặn các tệ nạn xã hội; xây dựng và thực hiện quy chế giao tiếp, ứng xử văn hoá trong cơ quan, đơn vị trường học.

3. CĐCS phối hợp với  Nhà trường tổ chức các hội thi, hội thao hàng năm và tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn cấp trên  tổ chức; tổ chức gặp mặt, biểu dương các nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động tiêu biểu nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 hằng năm.

 

Chương III: PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP CÔNG TÁC

 

Điều 9. Phương thức phối hợp

1. Nhà trường và CĐCS làm việc trên cơ sở trao đổi, phối hợp. Định kỳ hàng năm (hoặc khi cần thiết), CĐCS và Nhà trường tổ chức họp liên tịch để kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp và trao đổi các vấn đề có liên quan trong quan hệ phối hợp công tác.

2. Nhà trường có trách nhiệm cử đại diện tham dự các kỳ họp Ban chấp hành; các hội nghị sơ kết, tổng kết và các hội thảo bàn về các vấn đề có liên quan đến việc làm, đời sống của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động theo đề nghị của LĐLĐ huyện.

Điều 10. Chế độ thông tin

1. Nhà trường có trách nhiệm thông tin cho  CĐCS về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; đồng thời cung cấp các nội dung khác có liên quan, khi CĐCS có đề nghị bằng văn bản.

2. Định kỳ 1 tháng một lần, CĐCS có trách nhiệm thông báo cho Nhà trường về kết quả hoạt động công đoàn; về tình hình việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động cùng các kiến nghị về chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động.

 

Chương IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 11. Bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động công đoàn

1. Cán bộ CĐCS được tham dự các hội nghị, hội thảo, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập, được hưởng nguyên lương và chế độ công tác phí theo quy định do LĐLĐ huyện.

2. Cán bộ  CĐCS tham gia Ban Chấp hành Công đoàn được hưởng phụ cấp trách nhiệm từ kinh phí công đoàn theo quy định của Tổng Lỉên đoàn Lao động Việt Nam; được Thủ trưởng đơn vị dành một số thời gian hưởng nguyên lương trong giờ làm việc, giảng dạy, công tác của đơn vị để hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.

 

Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Quy chế này được phổ biến đến toàn thể các tổ chuyên môn, tổ công đoàn. Nhà trường và BCH CĐCS có trách nhiệm theo dõi việc triển khai thực hiện Quy chế, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Hiêu trưởng và Chủ tịch CĐCS.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần phản ánh kịp thời về Nhà trường và Công đoàn để xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

 

TM. BCH CĐCS

Chủ tịch

 

 

 

Đỗ Thị Quy

HIỆU TRƯỞNG

 

 

 

 

Nguyễn Xuân Tuấn

 

Nơi nhận:

- LĐLĐ huyện;

- Chi bộ nhà trường;

- Lưu CĐCS- Nhà trường;

 

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1